TUẦN LỄ THIẾT KẾ VIỆT NAM 2020

Thể lệ cuộc thi “Designed by Vietnam” – 2020

Nhận thức về quốc gia tính đã lùi xa vào thế kỉ trước, khi xã hội ngày càng cởi mở hơn, giao thoa về văn hóa, đa dạng về cộng đồng sống. “Designed by Vietnam”, bởi vậy, mang hàm nghĩa mới, và sâu sắc hơn, gắn bó với những thứ sâu xa và cụ thể cấu thành nên hai chữ “Việt Nam” ở cả vật chất và tinh thần. Đó có thể từ mùi hương của đất, từ hơi thở của không khí, từ câu ca dao tục ngữ, từ truyện cổ và lời ví, từ chiếc nón quai thao hay cánh cửa bức bàn, là các góc cạnh đặc sắc và đa dạng của cuộc sống từ vùng cao tới làng quê ra thành thị. Những nhà thiết kế dù có quốc tịch Việt Nam hay là người nước ngoài đang sinh sống trên “dải đất chữ S”, khi được truyền cảm, tìm kiếm, khai thác và vận dụng những yếu tố, đặc điểm của văn hóa – lịch sử – ngành nghề cổ hay vật liệu địa phương, các câu chuyện thời xưa và nay, nhịp sống đô thị hiện đại hay cảm xúc từ thiên nhiên, rồi thổi hồn vào chúng để thành các sản phẩm sáng tạo mới, đó đều là “Designed by Vietnam”.

Cuộc thi “Designed by Vietnam” chủ đề “Tái sinh” (Regeneration) trong khuôn khổ chương trình Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2020 dành cho các nhà thiết kế được phát động từ ngày 17/7/2020 tại Hà Nội và kéo dài tới hết ngày 28/8/2020 trên phạm vi cả nước. Dưới sự dẫn dắt của các nhà thiết kế có tầm ảnh hưởng trong 05 lĩnh vực Ăn – Ở – Mặc – Quà tặng – Nghệ thuật công cộng, các thí sinh tham gia sẽ có nhiều cơ hội được kết nối và học hỏi để tạo ra các sản phẩm “tái sinh” có giá trị thiết kế cao.

“Tái sinh” không phải một khái niệm xa lạ trong thiết kế. Từ khi có trong đầu trí tưởng tượng, con người đã luôn mơ ước có thể làm mới lại, làm tốt đẹp hơn những giá trị đã cũ, và thúc đẩy quá trình phát triển bền vững trong mọi ngành nghề mà ở đó có liên quan việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên, tác động lên môi trường sống của con người.

Đặt trong bối cảnh thế giới đang cùng nhau đối mặt với đại dịch Covid-19, sự mong mỏi về một tương lai tốt đẹp và phát triển bền vững càng trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết. Đây là nguồn cảm hứng và động lực để các tác phẩm xuất sắc được ra đời. Với chủ đề “Tái sinh”, Cuộc thi muốn thay đổi tư duy sử dụng vật liệu ở mức độ tiết kiệm và tối ưu – dựa trên các loại vật liệu sẵn có để thiết kế, sáng tạo thành những sản phẩm mới sử dụng trong đời sống hàng ngày, hướng tới phát triển bền vững.

Ban Tổ chức và Hội đồng giám khảo:

Cơ quan bảo trợ: Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) – Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

Ban Tổ chức: Tuần lễ Thiết kế Việt Nam – Vietnam Design Week (VNDW)

Đồng Trưởng ban Tổ chức:

  • Ông Lê Việt Hà – Chủ tịch Ashui.com
  • Bà Nguyễn Thị Thu Hà – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Nghệ thuật đương đại (VICAS Art Studio)

Hội đồng giám khảo kiêm cố vấn chuyên môn:

  • NTK Từ Phương Thảo – Giám đốc mỹ thuật tạp chí ELLE Decoration Vietnam, Giám đốc thiết kế Sadec District
  • NTK Nguyễn Phan Thuỳ Dương – Chủ biên tạp chí ELLE Decoration Vietnam
  • NTK Vũ Thảo – Nhà sáng lập và giám đốc thiết kế tại Kilomet109
  • Ông Lê Bá Ngọc – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft)
  • Ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc nghệ thuật tại Heritage Space

Đối tượng tham gia dự thi: Tất cả mọi người.

Đề bài: Mẫu thiết kế dự thi thể hiện chủ đề “Tái sinh” thuộc 05 lĩnh vực:

Ăn

Trong truyền thống người Việt, sắm đôi chiếu hoa là tượng trưng cho khởi đầu mới của một gia đình trẻ. Một mâm cơm ấm cúng trên chiếc chiếu hoa còn thơm mùi nắng hẳn là ký ức đẹp của những người con đồng bằng. Để gợi lại không khí một bữa cơm nhà đầy ắp niềm vui sống, lòng hiếu khách thông qua những góc nhìn mới mẻ về SẢN PHẨM BÀN ĂN, đề bài là hãy thiết kế mới dựa trên công năng cũ, mang tới được một diện mạo tươi trẻ nhưng đậm đặc tính Việt. Giám khảo cuộc thi mong muốn được chiêm ngưỡng trong 4m2 của chiếc chiếu hoa kia chiếc bát chiết yêu quen thuộc, chiếc mâm tròn, những đôi đũa tre, cái chén, chai rượu, ấm trà… nhưng của thập kỷ mới, của ngày hôm nay.

Một cuộc cách mạng về THIẾT KẾ BAO BÌ, tái sinh về hình thức cho những sản phẩm đồ uống, thực phẩm đã và đang là biểu trưng cho hình ảnh Việt Nam trên bản đồ ẩm thực thế giới cũng là một đề bài nữa trong lĩnh vực này.

Không gian sống của người Việt hiện đại đang dần được chăm chút và đặt chủ tâm hơn bao giờ hết. Vượt ra khỏi quan niệm vỏ bọc an cư lạc nghiệp, chốn ở của người Việt không nhất thiết phải gắn liền với một địa chỉ cụ thể bởi sự dịch chuyển về hướng đô thị hoá đưa đến những mô hình cư ngụ, sinh sống rất phong phú và hiện đại. Bởi lẽ đó, những đồ vật nội thất gắn rời có thể dễ dàng mang theo, phối lắp, lại chính là phần hồn tâm đắc của những gia chủ Việt ngày nay khi sắp đặt cho ngôi nhà của riêng mình. Đề bài của lĩnh vực “Ở” thử thách sức sáng tạo của những thiết kế đồ nội thất rời dành cho không gian sống mang cảm hứng và câu chuyện về văn hoá, đời sống, con người Việt; chú trọng yếu tố tái sinh (làm mới concept cũ, làm mới vật liệu truyền thống, tái sử dụng những nguyên vật liệu bị thải loại, quên lãng, v.v…); khả năng ứng dụng cao để có thể trở thành một phần của bức tranh ngôi nhà Việt giàu văn hoá và thấm đẫm tinh thần thời đại.

Mặc

Biến đổi khí hậu, khủng hoảng tài nguyên thiên nhiên và bệnh dịch đang tạo ra những sức ép tích cực lên thiết kế nói chung và thời trang nói riêng, khiến cho các sản phẩm thiết kế thời trang càng ngày càng được tối ưu hoá. Mỗi thiết kế không còn dừng lại để phục vụ cho một mục đích thuần tuý nữa mà kiêm rất nhiều chức năng khác. Ví dụ như khẩu trang không chỉ để che chắn khói bụi mà còn chống chọi với dịch bệnh truyền nhiễm, bảo vệ sức khoẻ, đồng thời cũng đóng vai trò là một thứ phụ kiện thời thượng không thể thiếu cho rất nhiều tủ quần áo của chúng ta. Đề bài là giải pháp thiết kế thời trang để phản hồi với những vấn đề toàn cầu ở trên. Các sản phẩm thiết kế thời trang hiện nay nên được cân nhắc rất kỹ lưỡng từ khâu chọn vật liệu cho đến cả quá trình sản xuất và hoàn thiện sao cho có Ý Thức hơn, Giảm Thiểu Tác Động lên môi sinh, xã hội hơn. Chúng không chỉ Sáng Tạo, Chất Lượng mà phải đề cao được Tính Năng và thể hiện được gu Thẩm Mỹ của người sử dụng. Hãy tập trung vào đồ bảo hộ như quần áo chống nắng, mũ nón, khẩu trang, mặt nạ, găng tay, kính mát.

Quà tặng

Đề bài là thiết kế ý tưởng sản phẩm quà tặng hoàn chỉnh (gồm cả bao bì, câu chuyện sản phẩm) theo hướng tôn trọng và đề cao các giá trị văn hóa địa phương, thân thiện với môi trường từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng. Đối tượng quà tặng hướng đến là người Việt Nam và khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam. Khuyến khích việc phát triển các bộ quà tặng đặc trưng của từng địa phương, từng tỉnh, từng vùng, bộ quà tặng đặc trưng cho Việt Nam.

Nghệ thuật công cộng

Những hàng người dài dịch chuyển giữa các dây băng phân luồng ở sân bay hay bến tàu. Những phút “cứng đờ” trước thanh chắn hay hàng rào barie tàu hỏa trong đám đông bất tận trên đường. Không gian công cộng không chỉ là khoảng không tĩnh, mà còn là không gian con người dịch chuyển, hay cùng chia sẻ trong khoảng khắc nhất định. Những “Không gian Di động” và những khoảng “Thời gian Chết”. Đề bài là hãy thiết kế để biến đổi, chuyển hóa và thẩm mỹ hóa những thanh chắn tàu buồn tẻ, những hàng rào khô cứng, những dây băng phân luồng đang có. Mục đích nhằm để thay đổi thẩm mỹ thị giác, từ đó biến đổi không gian công cộng, và tạo ra những chuyển động tích cực về thể xác và tâm lý của con người trong đó.

Yêu cầu về mẫu thiết kế dự thi:

  • Tác phẩm thể hiện các nét đặc trưng, giá trị văn hóa của Việt Nam;
  • Sử dụng chất liệu truyền thống, bản địa – Khuyến khích các mẫu thiết kế ứng dụng hoặc phát triển từ các nghề thủ công truyền thống (bao gồm cả kĩ thuật, chất liệu và thẩm mỹ)
  • Mỗi tác giả tham dự tối đa 5 mẫu: là bản phác thảo hoặc ảnh chụp tác phẩm.
  • Các tác phẩm tham dự phải là bản gốc và do chính tác giả thực hiện;
  • Các tác phẩm chưa từng tham dự các cuộc thi về sáng tạo và thiết kế.

Nội dung hồ sơ dự thi:

  • Bản thiết kế: vẽ tay hoặc bằng máy tính in trên giấy khổ A3 (297 mm x 420 mm) kèm file số hoá định dạng PDF.
  • Mô tả chi tiết chất liệu dùng cho mẫu thiết kế;
  • Thuyết minh ý tưởng (tối đa 600 chữ).
  • Thông tin tác giả:
    • Họ và tên:
    • Năm sinh:
    • Cơ quan /Tổ chức (nếu có):
    • Địa chỉ:
    • Điện thoại:
    • Email:

Thời hạn và nơi nhận hồ sơ dự thi:

– Thời gian nhận hồ sơ dự thi: từ ngày 17/7 đến hết ngày 28/8/2020.

– Địa chỉ nhận hồ sơ: Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS), 32 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội. Điện thoại 090 961 5196 (Mr. Hữu Khôi). Email: designedbyvietnam@gmail.com

Quy trình của cuộc thi:

– Vòng ứng tuyển (từ 17/7 – 28/8/2020): nhận hồ sơ dự thi

(*) Trong thời gian này, thí sinh quan tâm có thể tham gia các buổi workshops và tham quan làng nghề truyền thống để lấy cảm hứng về vật liệu cho chủ đề “Tái sinh”.

– Vòng sơ khảo (tháng 9/2020):

Hội đồng giám khảo xét chọn khoảng 20 mẫu thiết kế vào vòng chung kết và phối hợp cùng tác giả thực hiện sản phẩm mẫu thực tế.

(*) Riêng lĩnh vực Nghệ thuật công cộng, các mẫu ý tưởng thiết kế được chọn sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, dự toán kinh phí thực hiện, và thuyết trình ý tưởng trước nhà tài trợ (nếu có).

– Vòng chung kết (từ 05-11/10/2020): trưng bày và xét giải trong Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2020.

– Bình chọn trực tuyến (từ 07/9-07/10/2020): 20 mẫu thiết kế được lựa chọn vào vòng chung kết sẽ tham gia cuộc bình chọn trực tuyến trên website: vietnamdesignweek.com

Cơ cấu giải thưởng:

  • 01 Giải Nhất: 50.000.000 VND
  • 01 Giải Nhì: 30.000.000 VND
  • 01 Giải Ba: 20.000.000 VND
  • 05 Giải Khuyến khích (mỗi lĩnh vực 01 giải): 10.000.000 VND
  • 01 Giải Bình chọn cộng đồng: 10.000.000 VND

Lưu ý: Các mẫu thiết kế đoạt giải có thể sẽ được hợp tác sản xuất thành sản phẩm sử dụng trong cuộc sống với bản quyền thuộc về tác giả, và quyền khai thác trong thời hạn 02 năm thuộc về Ban Tổ chức cuộc thi.

Tổ chức trao giải – triển lãm:

Lễ trao giải và triển lãm các tác phẩm vào vòng chung kết được tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2020 diễn ra từ ngày 05/10 – 11/10/2020 tại Hà Nội, TPHCM, Hội An.

Bài viết TUẦN LỄ THIẾT KẾ VIỆT NAM 2020 đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Kiến tạo không gian sống.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Các thành phố cần nhận ra giá trị của thiết kế cảm xúc – Kts. THOMAS HEATHERWICK

Ngưỡng cửa_ Doorway (Simon Unwin)