Cái đẹp của sự đơn giản – Hamuro Yoriaki

Cái đẹp của sự đơn giản – Hamuro Yoriaki

Satoki Tsuyuri dịch

Điều thực sự đúng không bao giờ phức tạp. Lý trí phức tạp chỉ là do con người tự ý gắn thêm vào. Còn chân lý luôn đơn giản. Và đó cũng là gốc rễ của Thần đạo.

Tại các hội thảo trong ngành y, những bài phát biểu ở tầng phó giáo sư hầu hết là rối rắm. Sử dụng lý luận phức tạp, chèn vào tiếng Anh tiếng Đức, nghe chẳng hiểu gì. Nhưng ở tầng giáo sư lão luyện thì khác. Họ nói đơn giản và dễ hiểu. Khi thành siêu việt thì cũng trở nên đơn giản. Nên muốn trình bày theo cách phức tạp về những điều phức tạp thì không khó. Khó là nói về thứ phức tạp một cách dễ hiểu. Làm được như thế là nhà khoa học thực sự. Các nghiên cứu đoạt giải Nobel đều có chung một đặc điểm là đơn giản.

Hình ảnh thần linh mà người Nhật vẫn hướng tới từ thời cổ đại luôn tồn tại vẻ đẹp với sự đơn giản tột cùng. Và đền thờ Thần đạo chính là nơi biểu đạt vẻ đẹp đó.

Con người hiện đại không có khả năng biểu đạt cái đẹp trong sự đơn giản. Nếu lúc này được yêu cầu làm thế thì chắc chúng ta không thể làm được. Nhưng tổ tiên chúng ta đã làm điều đó và công việc của chúng ta chỉ là kế thừa. Làm thế nào để diễn đạt thần linh. Ở đó có cái đẹp.

Thẩm mỹ của người nước ngoài là trang trí vẻ bên ngoài để bộc lộ cái đẹp, còn người Nhật không như thế mà để cái đẹp toả ra từ bên trong. Toát lên vẻ đẹp của thần linh ở bên trong, đó là vẻ đẹp thực sự. Vẻ đẹp của thần linh tựa như ánh sáng của một ngôi sao. Trên nền trời tối đêm, một ngôi sao chỉ đơn giản là toả sáng lấp lánh. Ai cũng thấy đó là đẹp, không cần có trang sức gì. Đẹp là như vậy.

Từ “utsukushi” (đẹp) trong tiếng Nhật giờ được viết bằng chữ “Mỹ”. Mỹ mang nghĩa là vẻ đẹp hình thức thể hiện bằng những trang trí bên ngoài. Phụ nữ diện quần áo đẹp, đeo trang sức, làm cho ngoại hình đẹp lên là chữ Mỹ này.

Nhưng vốn dĩ người Nhật không dùng chữ “Mỹ”. Trong các sách xưa, từ “utsukushi” được thể hiện bằng chữ “Đức”. Người Nhật cho rằng những người mang hình bóng của thần linh bên trong mình là những người đẹp nhất. Đây là vẻ đẹp nội tâm và cả đời không phai tàn.

Nhà thờ ở nước ngoài thì có các chùm đèn pha lê, có những ô kính ghép màu… được trang hoàng đẹp mắt. Trong khi đó đền thờ Thần đạo lại hết sức đơn giản. Chính điện của đền Kasuga cũng vậy. Chỉ có người đứng đầu là được phép vào trong điện. Một mình tôi bước vào và ngỡ ngàng. Mọi người cứ hỏi tôi trong đó được trang trí đẹp thế nào nhưng khi vào thì thấy ngược lại, đơn giản đến bất ngờ. Nhưng cảm nhận không gian lèn chặt sự tôn nghiêm. Không có màu sắc, không có hoạ tiết. Chỉ thuần một màu trắng. Đó là khởi nguồn. Sự đơn giản là chân lý. Chính điện của đền Isei cũng rất đơn giản. Nhờ đơn giản mà tồn tại trên 2000 năm. Nên trong sự phức tạp không thể có thần linh.

Tiện đây tôi cũng nói luôn là kimono của Nhật đã làm thay đổi thời trang thế giới. Nghe vô lý vì thời trang bây giờ là tới từ phương Tây đúng không? Nhưng không phải. Cứ nhìn áo quần phương Tây vào thời Louis XIII (* thế kỉ 17) mà xem. Bó sát người, cả quần của đàn ông cũng bó sát. Nhìn Napoleon cũng thế. Người phương Tây nghĩ là quần áo là phải được may đúng theo cơ thể. Thời Minh Trị họ sang Nhật Bản và thấy người Nhật mặc kimono thùng thình, không hề bó sát. Và họ sốc thực sự.

Kimono của Nhật được làm rất rộng rãi, rồi dùng đai để thắt lại cho khít với cơ thể. Quần áo nước ngoài được may đo theo cơ thể, còn kimono được mặc vào tuỳ theo cơ thể. Tư duy hoàn toàn ngược nhau.

Nói về sự đơn giản thì hội hoạ cũng vậy. Tranh Nhật và tranh phương Tây có sự khác biệt rõ rệt. Tranh sơn dầu phải phết dầu vẽ lên kín toan. Tranh chân dung thì nền cũng phải được phết kín rồi mới vẽ lên. Nó thể hiện tư duy của phương Tây, suy cho cùng là xuất phát từ quan điểm có thể thay đổi mọi thứ bằng sức mạnh của con người. Nhưng tranh Nhật thì rất khác. Hình một cánh chim đang bay, còn nền chỉ là màu trắng. Chỉ thế nhưng vẫn có thể hình dung được hình ảnh cánh chim trên bầu trời. Chỉ một màu trắng nhưng vẫn tưởng tượng ra bầu trời hay tự nhiên và mang cảm quan cộng sinh với tự nhiên cũng là một đặc điểm của người Nhật. Nên hội hoạ Nhật Bản và hội hoạ phương Tây khác nhau.

Rồi việc cầu khấn cũng vậy. Người nước ngoài ở nhà thờ thì quỳ xuống thành kính và cầu nguyện những điều mình mong muốn. Nhưng người Nhật có tới đền cũng không làm đến mức đó. Có cầu khấn nhưng cách nghĩ cơ bản là phó mặc cho thần linh. Đây không phải là việc so sánh với nước ngoài để xem bên nào hay. Đây là đặc điểm của người Nhật. Đó là phẩm chất nhìn ra chân lý trong sự đơn giản.

Hamuro Yoriaki, trích từ「神道のこころ」 và「見えないものの力」


* Chính điện của đền Isei Jingu, thờ nữ thần mặt trời.

 

Bài viết Cái đẹp của sự đơn giản – Hamuro Yoriaki đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Kiến tạo không gian sống.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Các thành phố cần nhận ra giá trị của thiết kế cảm xúc – Kts. THOMAS HEATHERWICK

Ngưỡng cửa_ Doorway (Simon Unwin)