Nhà thiết kế nội thất chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam – Ông “Vua thợ mộc”

“Thiết kế Nội thất là để xây dựng một nếp sống – nếp sống mới của người tử tế” Tư tưởng của Nghệ sỹ Thiền Họa, Nhà giáo Trịnh Hữu Ngọc (1912-1997) – (Nhà thiết kế nội thất chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam) bao trùm nhiều lĩnh vực. Bài viết cố gắng cô đọng lại những tâm huyết trong lĩnh vực hành nghề và dạy học thiết kế trang trí nội thất – Nhớ về bậc tiền nhân, suy ngẫm tương lai.

 

Lược trích về cuộc đời và sự nghiệp

Trịnh Hữu Ngọc ra đời ngày 6/10/1912 tại Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang; bố là thợ máy tàu thủy xưởng Ba Son – Sài Gòn, thường xuyên theo tàu viễn dương; được mẹ nuôi dạy ở nhà cùng với hai em gái và một em trai út. Học tiếng Pháp và quốc ngữ ở tiểu học Bắc Giang;

1922 – Mẹ mất vì bệnh bạch cầu. Cuối năm, mới 10 tuổi một mình lên đường vào Sài Gòn tìm gặp bố;

1930 – Thi đậu ngạch công chức nhà nước Pháp, làm thư ký sở Bưu điện Sài Gòn;

1933 – Giúp việc thầy Nam Sơn – Nguyễn Văn Thọ, rồi đỗ chính thức vào Khoa Hội họa trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Kỹ năng và phong cách chịu ảnh hưởng của hai thầy Victor Tardieu và Joseph Inguimberty – kết hợp các tiêu chuẩn mỹ học cổ điển Hy Lạp và cách nhìn của các bậc thầy Ấn tượng Pháp;

(Trịnh Hữu Ngọc bên kiểu ghế ưa thích)

1938 – Tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương; được bổ về một tỉnh Bắc Kỳ làm thanh tra mỹ thuật học vụ, nhưng không nhận việc. Quyết định sinh sống bằng trang trí nội thất, thiết kế và sản xuất đồ gỗ. Mở xưởng mộc thí điểm nhỏ ở 47 Hàng Đậu, chỉ có 2 thợ;

Thiết kế bộ phòng khách của ông()

1939 – Dọn về khu đất hơn ngàn mét vuông ở số 19 Rue Jean Soler (bây giờ là số 78 Hàng Bông Nhuộm) với đầy đủ máy móc nhập từ Pháp sang và gần hai chục người thợ tinh tuyển. Đặt tên xưởng là MÉMO Ébénisterie – Nhà trang trí nội thất và làm đồ gỗ kiểu mới đầu tiên ở Việt Nam. “MÉMO bắt nguồn từ chữ mémoire, muốn nói rằng ai đã dùng đồ của mình là sẽ nhớ mãi…”;

(Thiết kế mẫu hàng mộc mới)

1945 – Làm toàn bộ nội thất đồ gỗ nhà 48 Hàng Ngang cho thân chủ Trịnh Văn Bô, vừa lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh về đó ở và viết bản tuyên ngôn độc lập cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Theo đề nghị của Nguyễn Hữu Đang và Ngô Huy Quỳnh, đóng góp gỗ và thợ của xưởng MÉMO để dựng lễ đài tuyên bố Việt Nam độc lập tại quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945;

1947 – Làm thư viện gia đình, với các bộ bách khoa toàn thư, nhiều tạp chí Âu Mỹ về nghệ thuật, kiến trúc, nội thất, khoa học phổ thông. Bắt đầu cắt dán những hình ảnh từ các tạp chí đã xem thành những hồ sơ tham khảo học hỏi ý thức thiết kế trong kiến trúc và nội thất;

(Tủ đồ)

1948 – Đưa khái niệm “Công dụng, Bền chắc, Duyên dáng và Tiết kiệm” vào thiết kế và sản xuất đồ gỗ với mục đích cổ động một lối sống mới cho tầng lớp trung lưu đô thị;

1953 – Bắt đầu một sản phẩm mới là thảm dệt bằng tơ tằm. Hoàng đế Bảo Đại, thông qua Thủ hiến Bắc kỳ Nguyễn Hữu Trí, ngỏ lời muốn đầu tư để nhà MÉMO làm lớn việc này;

1954 – Xưởng MÉMO đóng cửa dưới chế độ mới. “Ông MÉMO” có nguy cơ bị đi cải tạo tư bản tư doanh và tịch biên tài sản, nhưng thoát được sự đó nhờ những người bạn Hướng đạo thân thiết từ trước, lúc ấy đã giữ các trọng trách thân cận với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xưởng MÉMO được “bán” cho Bộ Quốc Phòng, với giá “xóa hết nợ ngân hàng của Ông MÉMO”;

1959 – Nhường khu xưởng MÉMO ở 78 Hàng Bông Nhuộm cho Sở Công nghiệp Hà Nội sử dụng, đổi lấy nhà số 108 Quán Thánh;

1960 – Phụ trách thiết kế các mặt hàng đồ gỗ của Phòng Lâm sản Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam;

1964 -1966 – Làm nội thất mới cho phòng khánh tiết và văn phòng thị trưởng tại Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội. Hoàn thành bộ sơn khắc “Tiếp quản Thủ đô”, gồm 4 tấm vóc mỗi tấm cỡ 80x200cm, có bố cục và kỹ thuật thể hiện khác hẳn phong cách sơn khắc truyền thống, treo tại phòng khánh tiết của Ủy ban.

Sau khi Cụ Hồ qua đời năm 1969, Phủ Chủ tịch không thấy đến mua tranh hàng năm nữa. Các hợp đồng lớn làm nội thất cũng không còn. Chỉ có người bạn trung hậu Trần Duy Hưng, còn làm thị trưởng, thỉnh thoảng có một đơn hàng nhỏ sửa đổi nội thất cho tòa thị chính giúp có tiền sinh sống.

Tư tưởng hành nghề

Nếp sống mới của người tử tế

Làm người tử tế hẳn phải sống theo quan điểm của người lao động. Tiêu dùng trước hết phải nghĩ đến công khó nhọc của người làm (1960).

Bản vẽ của Trịnh Lữ cho căn nhà 24 mét vuông của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc

Một số quan điểm chính:

  1. Bày hàng khoe của – Nhà nào cũng trang hoàng bày biện phô trương, như cửa hàng bách hóa;
  2. Bày biện theo lối lai căng – Bắt chước chỗ này một chút chỗ khác một chút, không giải quyết vấn đề theo đúng nhu cầu và khả năng;
  3. Trọng đồ phụ tùng hơn cuộc sống chính – Đồ đạc dù sao cũng chỉ là những phụ tùng cần thiết. Đã là phụ tùng thì phải tiện dùng, vừa việc, dễ thu xếp, không thừa không thiếu. Nếu một thứ đồ mà dùng được nhiều việc càng hay. Để nhà rộng rãi mát mẻ dễ lau dễ dọn cho được sạch sẽ hơn là để nhà chứa đầy phụ tùng, tổ bụi, tổ bẩn;
  4. Sống tạm qua ngày – Nhầm giản dị với cẩu thả, thiếu nhiệt tình với cuộc sống, tưởng rằng nhà cửa không phản ánh tinh thần, trình độ, ý thức con người;
  5. Không tiền không nói chuyện đẹp – Nhầm “đẹp” với “cầu kỳ”, nhầm khả năng kinh tế với khả năng sáng tạo.

 

Bình cũ rượu mới – Nội thất mới theo ý thức truyền thống dân tộc (1960)

Qua các thời đại, mỗi lúc đồ dùng được cải tiến, thì lề lối chế biến cũng tiến bộ hơn, hình dáng đồ đạc cũng thay đổi theo. Nét chính của dân tộc là lối sống giản đơn, tiện ngồi tiện nằm, sẵn tay dễ lấy. Chỉ cần có ý thức giữ gì bỏ gì, khéo thu xếp, có nhiệt tình với cuộc sống mới, thì bình cũ rượu mới càng ngon. Bỏ hình dáng to nặng, bỏ kiểu cách cầu kỳ, bỏ nếp sống bị trói chặt với người chết. Đồ đạc gọn nhẹ, hợp lý, dễ sản xuất hàng loạt. Đây là tất cả ý thức hợp lý tiêu dùng để hợp lý hóa sản xuất, quan điểm lao động cao, quan điểm sống đặc biệt xã hội chủ nghĩa.

Có nhiều người lo rằng sản xuất hàng loạt, kiểu mẫu hàng loạt, nhà nào cũng như nhà nào là dễ chán. Nhưng bản thân đồ đạc không tạo nên vẻ vui sống trong nhà – mà là ý thức tiêu dùng bài trí.

Bản thân chúng ta cũng có hình thức đồng đều của đồ sản xuất hàng loạt, ngay đến sự ăn sự học cũng là trên cơ sở sản xuất hàng loạt; thế mà chúng ta có ai giống ai đâu?

Đồ đạc trong nhà cũng vậy, gỗ mộc đóng đinh, khéo dùng khéo bày, vẫn dễ yêu dễ nhớ hơn là hàng trắc hàng gụ để khoe của hiếm giá đắt.

Nếp sống giản dị có cái đẹp vạn năng – tỏ rõ tính giản đơn cao độ không biết phô trương khoe mẽ, không nô lệ hàng hóa để tự bó buộc đời mình. Nó như cơ thể con người – Tất cả các bộ phận đều xếp được gọn gàng trên 2 chân, đi đâu ở đâu cũng được đầy đủ – hai bàn tay 10 ngón làm đủ mọi việc.

Mẫu hàng mộc mới – Ý tưởng đi trước cả “người khổng lồ” IKEA (1961)

Điều đáng nói nhất là ở thời điểm 1961, khi trên thế giới mới chỉ có công ty Thụy Điển IKEA bắt đầu làm loại giá sách gá lắp từ các bộ phận gia công hàng loạt, thì Trịnh Hữu Ngọc đã trình bày đủ loại bàn ghế giường và tủ, được thiết kế để sản xuất hàng loạt trong đề cương mẫu hàng mộc mới này.

Một phác thảo ý tưởng kiểu “sạp gụ” thời mới của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc. Ảnh: Trịnh Lữ cung cấp

Tiêu chuẩn đẹp

  1. Ít công;
  2. Ít gỗ;
  3. Đáp ứng nhu cầu sử dụng, không thiếu, không thừa;
  4. Có thể làm hàng loạt một số bộ phận, gá lắp thành nhiều mặt hàng;
  5. Không thủ cựu;
  6. Không công thức;
  7. Vượt khỏi cái cũ không hợp lý để đến với cái mới hợp lý;
  8. Đảm bảo sản xuất nhanh, nhiều, tốt, rẻ, đẹp “tiết kiệm nguyên vật liệu – có trải qua quá trình lao động sáng tạo mới biết giá trị của vật liệu – từ hòn đất nặn nên pho tượng, miếng sắt đúc thành lưỡi gươm quý – mỗi thứ mỗi lúc đều làm ta thấm thía sâu sắc giá trị của ý thức tiết kiệm vật liệu.

Đừng hạ một cây gỗ năm bảy trăm tuổi chỉ để:

  • Dùng hàng tấn gỗ làm tủ che bụi cho vài chục cân quần áo, giấy tờ;
  • Dùng hàng tấn gỗ làm bàn ăn bàn viết;
  • Dùng hàng tấn gỗ làm sập để nằm;

Đừng nên dùng nguyên liệu theo tinh thần người làm ô-tô-2 tấn thép chở 4 người – 200 cân – 10 cân thép chở 1 cân người.

Các công trình đã thực hiện

(Một sảnh tiếp tân)

Thiết kế nhiều hạng mục cho Bộ Kiến trúc, Tổng cục Lâm nghiệp, Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội, Tổng cục Du lịch và nhiều gia đình ở Hà Nội. Bên cạnh đó ông còn là người thiết kế nội thất chuyên cơ AN 24 của Hồ Chủ tịch. Sau khi ý tưởng thiết kế ban đầu được chấp nhận, mới tiến hành phác thảo dáng dấp và kích thước các hạng mục đồ gỗ cần làm cho công trình. Công trình nào cũng có nét thiết kế riêng biệt của mình.

(Phòng khách nhỏ UB hành chính Hà Nội)

Tư tưởng dạy học

Giảng dạy không phải là trao đổi văn kiện.

Trong ba năm (1963-1965), dạy thiết kế gỗ và trang trí nội thất tại Trường Mỹ thuật Công nghiệp, Trịnh Hữu Ngọc lập cho mỗi học trò của mình một hồ sơ, lưu giữ những bài tập, nhận xét của thầy và ý kiến của trò, bằng cách viết cho nhau để riêng vào hồ sơ ấy, không ai khác biết. Việc giảng dạy vốn là một việc giao cảm trực tiếp giữa thày và trò, cần có tình cảm tốt, có sự chăm sóc âu yếm tận tình, không phải là việc trao đổi văn kiện.

Những trang viết và bản vẽ trong việc thực hành và giảng dạy thiết kế nội thất của Trịnh Hữu Ngọc thời kỳ này cho thấy sự say sưa “không tưởng” của ông, muốn dùng thiết kế nội thất để thúc đẩy xây dựng nếp sống mới của quảng đại quần chúng.

Phòng tiếp khách Sân bay Gia Lâm (1963)

Nội dung thứ tự một bài giảng

  • Thực dụng: Tại sao kích thước như thế?
  • Mỹ thuật: Tại sao hình dáng như thế?
  • Kỹ thuật: Tại sao dùng mộng dùng gỗ như thế?
  • Chiều thứ tư: Tại sao đơn giản hóa công việc như thế, tiết kiệm gỗ và công như thế?
  • Đạo đức: Thái độ lao động – Tại sao phải biết quý của công, quý thành quả lao động để biết sáng tạo và sử dụng hợp lý những công trình lao động của công nhân – Nên học hỏi với ý thức nào?… Phải khiêm tốn học hỏi nhân dân.

Những tư tưởng này ngày càng đúng đắn, được thực chứng trong thời buổi vật chất 4.0. Khi tích lũy tri thức nhân loại dư thừa trên Wiki, google, trí tuệ nhân tạo AI … vai trò của người thầy không còn chỉ bó gọn trong việc truyền dạy kiến thức nữa mà quay trở lại những giá trị cốt lõi của nghề dạy học: Phát hiện và kích hoạt những tố chất của người học thông qua các phương thức giao tiếp, điều đang bị phai nhạt trong giáo dục đại học Việt Nam hiện nay.

Những điều suy ngẫm

Thiết kế nội thất đang là nghề “hot”. Có nghề, chịu khó thì kiếm được tiền. Lại được tiếng là nghề sang quý. KTS, họa sỹ, cử nhân trang trí, thợ lành nghề, chủ nhà… đều có thể xưng danh “nhà thiết kế nội thất”. Các thiết kế nội thất tràn lan, chạy theo thị hiếu và thị trường, đang làm hỗn loạn các giá trị thẩm mỹ và nếp sống mới của các cư dân đô thị.

Nội thất nhà ở đang được quan niệm như một thứ đánh bóng, khẳng định vị thế, độ sang giàu của chủ nhà, nhất là ở tầng lớp trung lưu giầu có. Nhà nhà theo mốt đồ dùng phải là gỗ súc, bàn ăn dầy hơn chục cm chạy dài vài mét. Rồi thì một chiếc chưa đủ, nhà giàu có phải vài cái, từ băng ghế ngồi, kệ để ti vi,… Đó là một sự phí phạm tài nguyên.

Hiệu ứng showbiz này đang ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ và lối sống gấp của thế hệ trẻ, lối sống bày hàng khoe của, đánh bóng bản thân, sống nhanh sống gấp.
Đất nước ta còn nghèo, đang trên đường phát triển. Với xấp xỉ 80% dân số là nông dân và công nhân lao động. Lực lượng dân số đông đảo này chưa được quan tâm đúng mức trong tổ chức không gian sống, đặc biệt là không gian nội thất.

Lý luận và phê bình kiến trúc nội thất còn đang bỏ trống. Và với vai trò là nghệ thuật tổ chức cuộc sống – kiến trúc cần bắt đầu từ phía bên trong, khởi nguồn từ kiến trúc nội thất.

Tổng hợp bài Nguyễn Bá Đạm và của KTS Hoàng Anh – KTS Dương An Hà 

Bài viết Nhà thiết kế nội thất chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam – Ông “Vua thợ mộc” đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Kiến tạo không gian sống.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Các thành phố cần nhận ra giá trị của thiết kế cảm xúc – Kts. THOMAS HEATHERWICK

NẾP NHÀ VIỆT_ Nhà người Chăm