Kinh thành Huế có nhiều cửa ra vào,vì sao có tên cửa Đông Ba, cửa Thượng Tứ?

Kinh thành Huế có hình gần vuông, với bốn trục đường chính trong thành nối với bốn cặp cửa như sau:

Từ cửa Đông Nam (cửa Thượng Tứ) ở mặt trước (phía nam) chạy thẳng ra cửa Chánh Bắc (cửa Hậu) ở mặt sau (phía bắc). Đối xứng qua Hoàng thành, từ cửa Chánh Nam (cửa Nhà Đồ) ở mặt trước (phía nam) chạy thẳng ra cửa Tây Bắc (cửa An Hòa) ở phía sau (phía bắc); Từ cửa Chánh Đông (cửa Đông Ba) ở bên trái (phía đông) chạy thẳng qua cửa Tây Bắc (cửa Hữu) ở bên phải (phía tây); Và cửa Đông Bắc (cửa Kẻ Trài) ở bên trái (phía đông) chạy thẳng qua cửa Chánh Tây ở phía phải (phía tây). (Vì vua Đồng Khánh nhượng cho thực dân Pháp phần đất phía đông bắc Kinh thành để làm đồn Mang Cá Lớn nên con đường chạy từ Đông Bắc sang Chánh Tây bị gián đoạn). Trước Kinh thành (phía nam), ở hai bên Kỳ đài có hai cửa dành cho hoàng gia. Cửa bên trái có tên Thể Nhân (cửa Ngăn) và cửa bên phải Quảng Đức (cửa Sập).

Qua trình bày trên, ta thấy 10 cửa ra vào Kinh thành với tên chữ ứng với phương hướng và vị trí của chúng, đồng thời có thêm các tên dân gian rất thông dụng. Trừ cửa Chánh Tây, còn 9 cửa khác đều có tên dân gian.

Chín tên dân gian của 9 cửa ra vào Kinh Thành có nguồn gốc như sau: Cửa Thượng Tứ (cửa Đông Nam), vì ở gần viện Thượng Tứ (ở khu đất xây trường Trần Quốc Toản hiện nay) chuyên môn trông coi việc nuôi ngựa để kéo xa (xe) cho vua. Thượng là trên, cao cả, chỉ vua. Tứ là xe có bốn ngựa kéo (xe tứ mã).

Cửa Hậu (cửa Chánh Bắc) vì nó tọa lạc ở mặt sau của Kinh thành.

Cửa Nhà Đồ (cửa Chánh Nam), thời Gia Long ở phía ngoài có một kho chứa binh khí, có thợ làm đồ dùng cho nhà vua gọi là Đồ Gia (La maison des objets), dịch sang tiếng Việt là nhà đồ. Cửa Chánh Nam tọa lạc gần Nhà Đồ của vua nên được dân gian gọi là cửa Nhà Đồ.

Cửa An Hòa (cửa Tây Bắc) vì trước mặt cửa nầy có làng An Hòa và chợ An Hòa.

Cửa Đông Ba (cửa Chánh Đông) vì ở phía ngoài cửa nầy có xóm Đông Hoa nên thời Gia Long xây dựng pháo đài trên Kinh thành ở phía nầy lấy tên là Đông Hoa. Sau vì kiêng tên Hoa – vợ vua Minh Mạng, mẹ vua Thiệu Trị – nên tất cả chữ Hoa thành chữ Bông, Huê hay Ba. Tên đất Đông Hoa thành Đông Ba. Sau ngày thất thủ Kinh đô (7.1885), vua Đồng Khánh cho đổi tên chợ Qui Giả trên đất xóm Đông Ba thành chợ Đông Ba. Tên cửa Chánh Đông có tên Đông Ba có nguồn gốc từ đó.

Cửa Hữu (cửa Tây Nam) vì nó nằm ở mặt hữu (bên phải) của Kinh thành, đồng thời nằm phía hữu của Hoàng thành. Dân gian có câu “Vô Đông Ba, ra cửa Hữu”.

Cửa Kẻ Trài (cửa Đông Bắc), phía trước cửa thành nầy, bên kia sông đào Đông Ba có một xóm mang tên Kẻ Trài nên cửa nầy có tên dân gian là cửa Kẻ Trài.

Cửa Ngăn (cửa Thể Nhân) dành cho vua và hoàng gia ra vào, mỗi lần vua và hoàng gia ra sông Hương, triều đình cho lính ra đóng cửa ở con đường chạy ngang trước mặt Kinh thành, ngăn không cho ai qua lại. Sau khi vua và hoàng gia trở lại Hoàng thành, cửa mới được mở để cho dân chúng qua lại như thường.

 

Cửa Sập (cửa Quảng Đức), trước khi bị sập vì trận lụt năm 1953, cửa nầy cũng có tên là cửa Ngăn (trên) vì trước năm 1945, cửa cũng dành cho vua và hoàng gia ra vào và cũng bị ngăn. Sau khi bị lụt dân gian gọi cửa Ngăn (trên) là cửa Sập. Lúc cửa nầy còn mang tên Ngăn trên thì cửa Ngăn hiện nay, có tên dân gian là Ngăn dưới. Năm 1998, cửa Sập đã được trùng tu phục hồi như cũ nhưng dân gian vẫn chưa quen gọi lại tên Quảng Đức mà vẫn cứ gọi là cửa Sập. Tên chính thức của các cửa đều bằng Hán Việt nên khó nhớ. Để dễ nhớ, khỏi nhầm lẫn và tiện việc giao dịch, dân gian đã sử dụng những địa danh phổ thông ở gần các cửa ấy để đặt tên cho các cửa và được chấp nhận cho đến ngày nay.

(Trích 700 NĂM THUẬN HÓA – PHÚ XUÂN – HUẾ – Nguyễn Đắc Xuân)

Ảnh: Moori

Bài viết Kinh thành Huế có nhiều cửa ra vào,vì sao có tên cửa Đông Ba, cửa Thượng Tứ? đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Đăng Quang Arch.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Các thành phố cần nhận ra giá trị của thiết kế cảm xúc – Kts. THOMAS HEATHERWICK

NẾP NHÀ VIỆT_ Nhà người Chăm