Những kỷ lục của Huế trong lịch sử, thiên nhiên, con người

I. Những kỷ lục do Huế từng là Kinh đô của nước Việt Nam thời quân chủ:

1. Huế có Kinh thành Huế xây dựng từ đầu triều Nguyễn (1804), lớn nhất: chu vi vòng của Kinh thành trên 10,5km, diện tích khoảng 6,76km2 (theo Kinh thành Huế của Phan Thuận An);

2. Có nhiều cung điện, lăng tẩm hùng tráng, uy nghi, thơ mộng, lộng lẫy nhất: Điện Thái Hòa, điện Cần Chánh (đã bị đốt), điện Long An… Có bảy lăng vua (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức (bao gồm cả Kiến Phước), Dục Đức (bao gồm cả lăng Thành Thái và Duy Tân), Đồng Khánh, Khải Định và hàng trăm lăng mộ chín đời chúa, lăng các bà hoàng hậu (như lăng bà Từ Dũ), các hoàng tử (như Định Viễn vương, Tùng Thiện vương, Tuy Lý vương…), vua Hiệp Hòa (mới được hậu duệ cải táng và xây dựng mới).

3. Có Kỳ đài cao nhất: 50,065m (theo Phan Thuận An);

4. Có lầu Tàng thơ để lưu giữ công văn giấy tờ sách vở xưa nhất; xây dựng từ năm 1825;

5. Có Bảo tàng cổ vật lưu giữ được nhiều cổ vật triều Nguyễn nhất;

6. Có hồ Tịnh Tâm đẹp nhất;

7. Có Trấn Bình đài (thành Mang Cá) – một pháo đài quân sự cổ hoàn chỉnh nhất và kiên cố nhất (nay là doanh trại của tỉnh đội Thừa Thiên – Huế);

8. Có nhà hát Duyệt Thị cổ nhất, ra đời từ năm 1826;

9. Có nhà thờ Lão Tử độc nhất – Linh Hựu quán, nay là nơi tọa lạc của nhà thờ Tây Linh (1829);

10. Có nhiều phủ phòng của các ông hoàng, bà chúa nhất;

11. Chung quanh Kinh thành và Hoàng thành có nhiều hồ có tên tuổi được ghi vào bản đồ địa chính nhất: Theo L.Cadiere (BAVH 1913), riêng trong Kinh thành có đến 32 hồ, những hồ nổi tiếng nhất là hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, hồ Xã Tắc, hồ Khám Đường;

12. Kinh thành và vùng chung quanh có nhiều sông nhất: sông Ngự Hà, sông Hương, sông Đông Ba, sông Bạch Yến (sông An Hòa), sông Cái Vạn, sông Thọ Lộc, sông Lợi Nông (còn có tên sông Phủ Cam, sông An Cựu), sông Phổ Lợi, tổng cộng 7 con sông;

13. Do nhiều hồ, nhiều sông nên Huế cũng có nhiều cầu cổ nổi tiếng nhất: trong Hoàng thành có 2 cầu, 6 cầu đi vào Hoàng thành (trước 3 cầu, sau 1 cầu, bên phải và bên trái 2 cầu), khu vực hồ Tịnh Tâm trong Kinh thành có 5 cầu có mái che (Cầu Bồng Doanh, cầu Hồng Cừ, cầu Bích Tảo, cầu Lục Liễu, cầu Bạch Tần), Ngự Hà xuyên qua Kinh thành, nối sông Cái Vạn với sông Đông Ba có 10 cầu (cầu xe lửa, cầu Hoằng Tế, cầu Tây Thành Thủy Quan, cầu Vĩnh Lợi, cầu Bình Kiều, cầu Khánh Ninh, cầu Ngự Hà, cầu Đông Thành Thủy Quan, cầu Thanh Long, cầu Bác Tế), 10 cầu đi vào Kinh thành (10 cửa vào Kinh thành có 10 cầu), 3 cầu bắc qua sông Hương (cầu Trường Tiền, cầu Phú Xuân, cầu Dã Viễn); 6 cầu bắc qua sông Lợi Nông (cầu Ga, cầu Nam Giao, cầu Bến Ngự, cầu Kho Rèn, cầu An Cựu), 3 cầu bắc qua sông Thọ Lộc (Đập Đá, cầu Vỹ Dạ, cầu Vân Dương), 3 cầu bắc qua sông Đông Ba (cầu Gia Hội, cầu Đông Ba, cầu Bãi Dâu), 2 cầu bắc qua sông Cái Vạn (cầu Bạch Hổ, cầu Cái Vạn), 1 cầu bắc qua sông Kim Long (sông đã cạn nhưng vẫn có cầu Kim Long), 7 cầu bắc qua sông Bạch Yến (cầu Xước Dũ, cầu Huyền Không, cầu An Ninh Hạ, cầu An Hòa, cầu Huyền Yến, cầu Cửa Hậu, cầu Bao Vinh)… mới thống kê sơ bộ đã có đến trên 58 cầu, chưa kể cầu Chợ Dinh bắc qua sông Hương.

II. Do ảnh hưởng của Kinh đô Huế:

chua-hue

1. Huế là nơi có nhiều chùa nhất: Theo lịch sử Phật giáo xứ Huế, tại Thừa Thiên Huế có 124 ngôi chùa chính, chưa kể 318 khuôn hội (Niệm Phật đường);

2. Huế có Thiền sư Liễu Quán có ảnh hưởng lớn nhất (đặc biệt đối với Phật giáo xứ Đàng Trong);

3. Có chuông chùa Thiên Mụ lớn nhất: 3.285 cân (2.021 kg), cao 2,6m, rộng 1,2m;

4. Có chiếc trống cổ chùa Đông Thuyền lớn nhất: Đường kính khoảng 2m, chiều dài có đến 3m. Bên trong lòng trống có những móc thép kéo chéo với nhau. Do đó ở Huế có câu: “Trống Đông Thuyền, chiêng (chuông) Thiên Mụ”

5. Có nhiều nhà vườn nổi tiếng nhất: nhà vườn An Hiên, vườn nhà bà Công chúa Ngọc Sơn, nhà vườn Lạc Tịnh viên;

6. Có Sở Nhà thương (nay là bệnh viện Trung ương Huế) để chữa trị bệnh cho dân theo Tây y, do triều đình Huế thành lập sớm nhất (1894);

7. Có trường Quốc Học do triều đình Huế mở để dạy cho người Việt Nam học văn minh văn hóa phương Tây sớm nhất (1896);

8. Quốc Học cũng là ngôi trường xuất thân của nhiều lãnh tụ cách mạng nhất: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Trần Phú, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Tố Hữu, Bí thư Sài Gòn Gia Định Nguyễn Chí Diểu, nhà lý luận Mác-xít Hải Triều v.v… và v.v… (chưa kể những lĩnh vực khác);

9. Có trường nữ Trung học Đồng Khánh (nay là Hai Bà Trưng) được ca ngợi nhiều nhất;

10. Có cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương đẹp nhất và được thơ văn ca ngợi nhiều nhất;

11. Có sân vận động Bảo Long (nay là sân vận động Huế) có lòng chảo để đua xe đạp sớm nhất (1936)

III. Do thiên nhiên ban tặng cho Tha Thiên Huế:

1. Đèo Hải Vân hiểm trở và cao nhất: 490m (Đệ nhất hùng quan);

2. Vùng núi Bạch Mã cao 1.450m, có khí hậu ôn đới ở gần biển nhất (từ chân núi Bạch Mã ra bờ phá Cầu Hai chỉ 3km);

3. Có sông Hương đẹp nhất;

4. Có lượng mưa hàng năm lớn nhất và các trận mưa kéo dài nhất. Nguyễn Bính đã từng than: Trời mưa ở Huế sao buồn thế, Cứ kéo dài ra mãi mấy ngày Đến Tố Hữu cũng phải kêu lên: Nỗi niềm chi rứa Huế ơi, Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên.

IV. Do người dân Huế tạo nên:

1. Có nhiều món ăn nấu theo lối Huế nhất (theo nhà địa lý Trần Đình Gián, Việt Nam có 3.000 món ăn thì Huế đã có gần 1.700 món, chiếm trên phân nửa món ăn Việt Nam).

2. Có quần hai ống và chiếc áo dài ra đời sớm nhất (đầu thế kỷ XVIII, thời chúa Nguyễn Phúc Khoát);

3. Kho tàng ca nhạc truyền thống và dân ca có nhiều làn điệu nhất (35 làn điệu chính), trong đó ca Huế (23 làn điệu chính): Thuộc cung Bắc (hơi Khách): Lưu thủy, Kim tiền, Long ngâm, Cổ bản, Lộng điệp, Phú lục. Chín bản Tàu: Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hồ quảng, Bình bán, Tây mai, Liên hườn, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã; Thuộc cung Nam (hơi Ai): Nam ai, Nam bình, Quả phụ, Tương tư khúc; Thuộc cung Nam hơi Dựng: Hành Vân, Nam Xuân, Cổ bản dựng, Tứ đại cảnh. Dân ca: Hò (5 điệu chính): Hò Mái nhì, hò Mái đẩy, hò Giã gạo, hò Hụi (hò Nện), hò Ô. Lý (7 làn điệu chính): lý Giao duyên (cũng gọi là Huê tình), lý Hoài xuân, lý Con sáo, lý Qua đèo, lý Tử vi, Lý Mười thương, lý Tình tang…

Trên đây là những kỷ lục dễ thấy. Còn biết bao lĩnh vực khác chưa có điều kiện để điều tra thống kê, so sánh nên chưa dám đề cập đến như: Phá Tam Giang – vùng phá nước lợ rộng nhất vùng Đông Nam Á (trên 56km2), phụ nữ Huế viết văn bạo nhất, Huế có nhiều người làm công tác ngoại giao nhất, những người đi xa có máu đồng hương đậm đà nhất v.v… Dù chưa thống kê và so sánh hết nhưng với những kỷ lục nêu trên thì đã thấy không một thành phố trực thuộc tỉnh – và vùng chung quanh nào lại có những kỷ lục quốc gia như Huế.

(Trích 700 NĂM THUẬN HÓA – PHÚ XUÂN – HUẾ – Nguyễn Đắc Xuân)

 

Bài viết Những kỷ lục của Huế trong lịch sử, thiên nhiên, con người đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Đăng Quang Arch.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Các thành phố cần nhận ra giá trị của thiết kế cảm xúc – Kts. THOMAS HEATHERWICK

NẾP NHÀ VIỆT_ Nhà người Chăm