Họa sỹ Bùi Xuân Phái
VIẾT DƯỚI ÁNH ĐÈN DẦU
Bùi Xuân Phái là một trong ít những họa sỹ Việt Nam ngoài xây dựng hệ thống tư liệu vẽ cẩn thận còn liên tục ghi nhật ký. Những gì ông viết chỉ là suy tưởng riêng của bản thân, song tất cả đều toát lên những trăn trở cho nghệ thuật. Những suy tư cuối cùng cũng chỉ để làm sao vẽ cho đẹp và gần với bản chất nghệ thuật hơn… Từ năm 1958 đến năm 1874, nhật kí và ghi chú của Bùi Xuân Phái được ghi trên quyển lịch tay thường niên và những cuốn sổ tay, được sưu tầm, biên soạn bởi Trần Hậu Tuấn và Bùi Thanh Phương.
- Quyển này tôi viết trong những lúc không vẽ, nghỉ vẽ.
Tôi nghĩ rằng không phải cứ hùng hục vẽ là tốt mà còn phải năng suy nghĩ đến nghệ thuật, đến con đường tuy có nhiều khó khăn nhưng đẹp đẽ.
Ngoài ra tôi thấy cần phải xem sách xem tranh (nếu có) tất cả các họa sĩ bậc thầy, để mình được nâng tầm mắt lên. Để mình phân biệt được cao thấp, vàng thau không lẫn lộn.
Nghệ thuật thật là phong phú. Biết thưởng thức, biết đánh giá, đòi hỏi người xem phải có trình độ, phải học tập nhiều.
2. Vẽ tranh đừng vội hài lòng sớm. Càng vẽ càng tìm thấy những cái hay mới hơn hẳn những cái hay cũ, nhưng cũng nhiều khi thất bại.
3. Phong cách là một sự chân thành. Người thế nào thì phong cách thế ấy. Vì vậy bắt chước một phong cách nào đó thì dở. Cái nhìn (tựa như cái kính) của mình chứa không phải cái nhìn đi mượn.
4. Đừng tỏ ra vẽ giỏi, dở lắm, chỉ có vẽ hay mà thôi. Khéo tay hoặc “kỹ thuật cừ” chỉ để làm bài tập là tốt thôi. Xin lỗi mấy “ngài” vẽ giỏi, vẽ khéo, vẽ kỹ thuật, các ngày đừng nên vênh cái mặt vội.
5. Cảm thấy. Thể hiện sự cảm thấy đó như vậy làm nghệ thuật mới có sự rung cảm chân thành. Đáng buồng là vẽ y như một cái máy, dù là một cái máy tinh sảo.
6. Khi máy ảnh mới phát sinh, nhiều họa sĩ đâm hoang mang. Có một địch thủ ghê gớm. Vừa nhanh chóng lại vừa chính xác, phải những tay điêu luyện mới vẽ được những thứ như thế! Nhưng rồi, người ta đã có những con đường riêng mà ảnh không làm được. Tâm hồn con người thật phong phú. Những va chạm thực tế làm họ bật lên những tìm tòi sáng tạo. Không đứng yên một chỗ. Nghệ thuật tiến lên những bước mới, làm bỡ ngỡ người xem, cuối cùng làm người xem say mê. Vẫn có những người làm theo cái cũ chỉ vì độc một cớ dễ hiểu: ở một vài nước những lối vẽ đó dễ kiếm tiền vì trình độ người xem chưa có. Tuy vậy đán hoan nghênh thay những nghệ sĩ chân chính, họ không chịu chạy theo sợ thích tầm thường của những người “yêu tranh” như thế, họ bất chấp những trở ngại, gây cho họ nhiều đau khổ… Họ lao mình vào những cái mới và thành hình dần dần những cái đẹp mới.
7. Cần làm việc rất nghiêm túc và thoải mái.
8. Muốn hiểu tranh tất nhiên phải có năng khiếu thẩm mỹ và tất nhiên phải hiểu biết phong phú về hội họa và cuộc sống.
9. Vẽ dễ hay khó? Tùy theo quan niệm mà thôi. Vẽ chiều theo quan niệm người khác không giống quan niệm của mình thì thật là khó. Vẽ vô trách nhiệm thì không khó.
10. Biết giản đơn hóa đến một chừng mực nào đó vẫn giữ được cốt cách thực.
11. Hãy suy nghĩ nhiều về nghề, về cái đẹp, về quan niệm nghệ thuật của mình. Tâm hôn không rung động được thì tự mình cảm thấy thôi. Hãy rung lên mà vẽ, nếu không rung nỗi thì vẽ những cái gì anh rung được.
12. Không quý trọng nhân tài thì sẽ không có nhân tài. Hãy quý trọng nhân tài một cách thực sự. Đừng để họ khổ sở kéo dài. Chính những con người này sẽ làm vẻ vang cho đất nước.
13. Cứ mỗi cái Tết lại già thêm một tuổi. Còn chuyện tâm hồn? Picasso có nói một câu lý thú: Phải thời lâu lắm mới trẻ được.
14. Tôi thích những chiếc toan (toiles) trắng tinh chưa vẽ. Ồ nó đầy hy vọng. Nó hứa hẹn một cái gì.
15. Cái đẹp tồn tại được có lẽ lúc nào nó cũng mới.
16. Cứ cãi nhau về cái đẹp thì vô cùng thật! Nhưng thời gian, thời gian sẽ công bằng với nhựng cái đẹp chưa được công nhận.
17. Đừng sợ không được quần chúng thích mà đi tìm lối này lối nọ. Chính cái hay nhất của anh mới làm quần chúng thích được (Tôi không nói quần chúng ở mức độ kém)
18. Vẽ cho hay đó là nhiệm vụ trước tiên. Tất nhiên cái hay là cái có ích cho mọi người (cũng có những cái hay vô ích nhưng mình không vẽ cái đó). Suy nghĩ nhiều, ghi chép nhiều, nắm cho chắc những tài liệu về cuộc sống. Không làm những cái hời hợt rẻ tiền.
19.Nói chuyện nghệ thuật mãi cũng sốt ruột, hãy lao mình vào công việc cụ thể là vẽ. Vì nếu vẽ ít hoặc không vẽ thì anh còn chuyên nghiệp cái gì nữa. Vậy nói ít mà để thì giờ mà vẽ. Nghề của anh không phải là nghề nói mà là nghề vẽ, đáng tiếc là có những người thích nói lại đi chọn nghề vẽ.
20. Buồn thay cho kẻ bất tài, nhưng giá hắn lương thiện hơn và theo một nghề gì hợp với hắn thì hơn. Đằng này hắn lại giở trò bịp bợm thì thật là khó chịu.
21. Cái đẹp đến hay không đến là do người vẽ nhìn thấy. Không phải hơn nhau ở đôi tay khéo léo mà chính là ở một tâm hồn phong phú nhạy cảm.
22. Cứ phải đọc, phải xem, tìm hiểu nhiều các nghệ sĩ lớn. Họ giúp mình khiêm tốn và tiến lên.
23. Không lẫn những cái thoải mái có bề sâu với những cái dễ dãi hời hợt. Nghệ thuật không đủ sức sáo động nếu nó tầm thường và không có sự chân thành.
24. Say mê vẽ, giữ lửa liên tục. Nguội lạnh là chết
25. Vẽ là sống, là thở
26. Ngày mai không còn giống ngày nay. Nghệ thuật không thay đổi tức là không có sức sống mới nữa.
27. Vì người khác mà ta hay nhưng cũng có thể vì người khác mà ta dở. Đúng là môi trường là cần. Nó tạo ra con người. Môi trường giả dối chỉ tạo ra nhựng con người đạo đức giả! Nghệ thuật giả! Cái hay chỉ có thể bật ra trong lúc làm việc. Muốn hay trong chốc lát chỉ có điều hú họa.
28. “Cái nhìn” cho hay để vẽ cho hay. Cả hai đều khó cả. Phải khổ công rèn luyễn để bớt khó.
29. Thức tế cốt cho ta nắm được sự thật. Sự thật cốt cho ta nắm được cái đẹp. Và từ cái đẹp ta mới có đủ vốn để “nói chuyện” nghệ thuật.
30. Ốm đau là hạn chế rất lớn cho người yêu nghề. Chao ôi sức khỏe để mà làm việc quý biết chừng nào! Phải giữ gìn sức khỏe để bất cứ lúc nào cũng đủ sức làm việc.
31. Theo đuổi cái đẹp không phải đơn thuần trong tranh mà còn phải luôn luôn trau đồi “tư cách đạo đức” của một con người nghệ sĩ chân chính.
32. Giữ cho tâm hồn trong trẻo, đẹp đẽ tươi trẻ, đó là cách gần giữ nhất với nghệ thuật.
33. Thì giờ đi rõ thật nhanh
Đã đi không thế có phanh nào kìm
Vẽ đi kẻo tiếc con tim
Đập đi đập lại rồi im lúc nào!
34. Picasso thường hay vẽ đi vẽ lại một đề tài cho đến cực đẹp, cực nhuyễn. Thanh thoát vô cùng. Ông ta có cách nhìn nhạy cảm và bàn tay điêu luyện. Có lẽ cả hai là một.
35. Xem con bò, con ngựa của Picasso vẽ chấm phá mới thấy ông này thuộc bò, ngựa rất ghê, phá mà vẫn thực.
36. Người xem tranh đáng tiếc là không phân biệt rõ giữa vẽ nghiên cứu, vẽ máy móc, vẽ theo ảnh với vẽ sáng tạo nghệ thuật. Đúng nghĩa của nghệ thuật là sáng tạo – tạo ra một cái gì MỚI – ĐẸP.
37. Một thế giới riêng. Một cái nhìn riêng. Nghệ thuật làm người xem thú vị ở chỗ đó.
38. Vẽ giống người khác không có gì đáng nói vì đó là một “họa sĩ” không có gì.
39. Vẽ không phải là chép, không phải là đo cho đúng, ghi cho chính xác… Nếu chỉ có thế thì mới là đang học vẽ, còn nếu muốn bước lên nữa, tiến tới ngưỡng cửa nghệ thuật thì còn phải nhiều gian khổ rèn luyện lao động nghệ thuật thực sự… con đường sáng tác không dễ dàng, không có một lối tắt nào nếu anh muốn nhanh chóng để trở nên xuất chúng! Chỉ có một con đường rất là dài, rất là vất vả và cũng dễ thất bại, đau khổ.
40. Cứ xem họ đánh giá hoặc hiểu tranh ra sao thì có thể biết họ vẽ ra sao. Cái đẹp không nhìn thấy thì vẽ thế nào được tranh đẹp. Cái đẹp mới không phải là sự quen thuộc nữa, nó đòi hỏi một sự bỡ ngỡ. Trước lạ sau quen dần dần thấy đẹp. Cái đẹp tồn tại được có lẽ lúc nào nó cũng mới.
41. Cần đi vào chuyên môn thì mới có thể hay được. Nhưng chuyên môn không thấy chuyên môn thì mới thoát được.
42. Chao ôi đáng thương thay những “bức tranh” dở mà nhiều người tha thiết chơi. Lỗi tại người vẽ hay lỗi tại người chơi?
43. Nghệ thuật làm ra không phải mục đích để bán. Ai làm nghệ thuật với mục đích để bán thì khó có thể có tác phẩm chân thành được, lại càng khó có thể là tuyệt tác được.
44. Theo tôi nghĩ Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói rất dúng khi khuyên “Không có tài không nên làm văn nghệ”. Đúng quá! Cái này nhà nghề với nhau không dấu nổi đâu, bất tài thì rõ, rõ từ cái lặt vặt rõ đi.
45. Người họa sĩ lúc nào cũng vẽ, ngay cả lúc không làm gì vì họ vẽ ở trong đầu.
46. Đi thực tế vẽ lấy tài liệu vẫn cứ tốt. Tài liệu anh bị hạn chế, nhiều chỗ nhìn không rõ. Bất đắc dĩ mới phải dùng tư liệu ảnh, mà cũng luôn phải chỉnh sửa, thay đổi. Nếu không sẽ biến thành anh thợ truyền thần! Vẽ như ảnh thì thật là thừa.
47. Tranh phải có thời gian mới định được giá trị, nhưng cũng có khi tranh nó có số phận của nó, cũng có khi vì sự gặp may hoặc không gặp may của nó – y như con người mà thôi. Dù sao những cặp mắt tinh đời vẫn cứ nhìn ra những giá trị thật của nghệ thuật.
48. Có những bức tranh không cần ký tên vì ký tên ai cũng được. Khốn khổ cho những bức tranh không cần ký tên.
49. Thời gian cứ trôi. Cái hôm nay chẳng mấy chốc đã thành quá khứ. Cái hay, đẹp sẽ tồn tại và ngược lại. Hỡi ông bạn đừng tự hào vội?, tác phẩm của ông đã có mấy? Mà đã tuyệt tác chưa? Tốt nhất là đừng đánh giá về mình “ghê” quá. Hãy chịu khó làm việc, làm việc nhiều hơn nữa. Không thể tự mãn với những bức tranh đã vẽ. Không, ông bạn thanh mến ạ, phải nhiều hơn và hay hơn nữa chứ!
50. Một câu nói khiêm tốn: “Tôi chưa có một tác phẩm nào đáng kể!” Nói thế để tiếp tục cố gắng làm việc nhiều nữa chứ không phải đành. .. bỏ cuộc.
Bài viết Họa sỹ Bùi Xuân Phái đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Kiến tạo không gian sống.
Nhận xét
Đăng nhận xét